top of page
Ảnh của tác giảSUNNY LAN

8 BÀI HỌC TỪ CÂU CHUYỆN KHỞI NGHIỆP INSTAGRAM

Từ một công ty khởi nghiệp chỉ có hơn 10 nhân viên, sau 78 tuần hoạt động, Instagram đã đạt được giá trị 1 tỷ USD, đánh dấu sự thành công mà ai cũng phải thừa nhận dù chỉ bắt đầu từ con số 0. Dĩ nhiên đây là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ chứ không chỉ đơn giản là dựa vào yếu tố may mắn. Con đường này tuy ngắn nhưng có nhiều bài học mà những người khởi nghiệp cần phải ngẫm nghĩ.

1. Một công ty khởi nghiệp hoạt động linh hoạt nhạy bén và quyết đoán

Dù mức tăng trưởng là nhanh chóng và vô cùng ấn tượng nhưng Instagram vẫn giữ nguyên cơ cấu nhân sự với số lượng nhân viên chỉ vỏn vẹn 13 người, làm việc trong một trụ sở giản dị không có gì nổi bật. Điều quan trọng nằm ở chỗ, công ty vẫn đủ sự linh hoạt và nhạy bén để đi đến quyết định thay đổi ý tưởng ban đầu. CEO Kevin Systrom và người đồng sáng lập của mình lúc đầu đã khởi động Burbn, dự án tham gia vào các lĩnh vực hot trên di động như chia sẻ ảnh và chia sẻ địa điểm giống như Foursquare. Nhưng nó đã thiếu đi sự định hướng rõ ràng của một ứng dụng di động. Cả hai nghĩ đến chuyện thu hẹp chiến lược và chỉ tập trung vào phát triển thật tốt vào dịch vụ chia sẻ hình ảnh. Được công bố vào tháng 10/2010, Instagram lập tức gây sốt và trước khi bị Facebook mua lại, ứng dụng này có tới 30 triệu lượt tải trên iPhone.

2. Thời thế tạo anh hùng

Đây có thể xem như là tầm nhìn chiến lược của các nhà lãnh đạo trẻ tuổi khi họ quyết định cho ra mắt ứng dụng của mình đúng thời điểm bùng nổ của nhu cầu sử dụng smartphone. Khởi đầu là một ứng dụng dành riêng cho iOS, Instagram nhanh chóng được chào đón bởi cộng đồng iOS đông đảo. Đến khi nền tảng Android dần dần khẳng định vị thế trên thị trường di động, Instagram mới tung con bài chiến lược vốn rất được mong chờ của mình chạy trên nền tảng này. Có thể nói mỗi bước đi của công ty đã được tính toán chi ly và hợp lý nhất, đem lại lợi thế quá lớn cho một startup trẻ.

3. Một giao diện thân thiện và chuyên nghiệp

Với Instagram, mục đích chính là tạo cơ hội cho người dùng có thể chia sẻ những bức ảnh đẹp chứa đựng những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc sống. Chính vì lẽ đó, đội ngũ phát triển đã xây dựng ứng dụng của mình với một giao diện chuyên nghiệp mà đơn giản. Tập trung chính vào các bức ảnh mà không hề có những đống biểu tượng và nút điều khiển gây mất tập trung như những gì bạn thấy ở Facebook. Với Instagram, người dùng hoàn toàn cảm thấy thoải mái khi thao tác với các bức ảnh mà không sợ bị làm phiền bởi những thứ chức năng phụ trợ không quan trọng khác.

4. Một mạng xã hội mở, đơn giản và dễ dàng cho người dùng

Không bắt buộc phải bấm “like” hay “share”, người dùng vẫn có thể dễ dàng tham quan và khám phá kho ảnh khổng lồ của bất kì cá nhân nào. Instagram là một không gian mở, một thế giới không có những cam kết thắt chặt hay gò bó giống như kiểu bạn phải bắt buộc kết bạn trên Facebook mới có thể xem ảnh của một ai đó. Chỉ đơn giản quan sát và đưa nhận xét nếu muốn, sau đó “rút êm” hay “một đi không trở lại” cũng chả vấn đề gì. Một mạng xã hội mở như vậy là điều khiến người dùng cảm thấy vô cùng thoải mái và dễ chịu.

5. Kết nối cộng đồng thông qua những bức ảnh

Hãy nói về lõi của mạng xã hội này. Instagram xây dựng một cộng đồng những người đam mê chung một sở thích: lưu trữ và chia sẻ hình ảnh. Ứng dụng này đã kết nối những con người say mê nhiếp ảnh lại với nhau mà không lo sợ những mối quan hệ xã hội phức tạp, ở đó chỉ tồn tại một niềm yêu thích, một sự say mê cho những khoảnh khắc đẹp được lưu giữ. Từ một bức ảnh sẽ đem đến những trải nghiệm tương tác tuyệt vời cho người dùng khi họ có thể trò chuyện, giao lưu và kết giao bạn bè.

Nên nhớ rằng “Một bức ảnh đẹp đáng giá hàng ngàn lời nói”. Một khuôn hình đẹp lưu giữ nhiều xúc cảm là điều ai cũng có thể dễ dàng làm được với Instagram.

6. Thu thập những thông tin chính có giá trị

Mỗi khi người dùng Instagram chụp một bức ảnh, ứng dụng này sẽ nắm bắt được một loạt những thông tin có giá trị như vị trí, ngày tháng, thời điểm…đây là những thông tin quan trọng có thể dùng để liên kết với những bộ cảm biến của chiếc smartphone qua đó gian tiếp giúp Facebook thu lợi nhuận từ việc kiếm tiền trên di động.

7. Mục tiêu chính không phải là kiếm tiền

Trong quãng thời gian ngắn ngủi trước khi được Facebook mua lại, Instagram tập trung vào việc phát triển cộng đồng người dùng hơn là chăm chú vào việc kiếm tiền từ nền tảng của mình. Khi không chạy theo lợi nhuận tức thời, họ đã có thể tập trung xây dựng ứng dụng của mình hoàn mỹ hơn. Với nền tảng kỹ thuật vững chắc cùng cộng đồng người dùng đông đảo, Instagram đã lọt vào mắt xanh của Facebook. Đây chính xác là thời điểm mà họ đã mong chờ. Với giá trị 1 tỷ USD sau 78 tuần hoạt động, Instagram đã trở thành một huyền thoại mới trong làng công nghệ.

8. Một cách tiếp cận hình ảnh mới mẻ mở đầu cho một trào lưu mới

Instagram được xem như khởi đầu cho một phương pháp tương tác và tiếp cận hình ảnh mới – “photo inbox”. Càng ngày càng có nhiều người dùng sử dụng hình ảnh của mình chụp được để chia sẻ cho bạn bè những thông tin những kinh nghiệm quý báu. Mục tiêu của họ là để cuộc sống của mình được nhiều người biết đến hơn, qua đó mở rộng những mối quan hệ xã hội trên mạng Internet. Khi mà nhu cầu này ngày càng lớn thì cũng là lúc mạng xã hội mới không chỉ là một dịch vụ đơn thuần, mà đã trở thành một trào lưu mới.

GenK/action.vn

3 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page